Trảng Bom là một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai, nằm về phía đông của thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km và cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 30 km. Là một huyện trung du, phía nam giáp huyện Long Thành, phía đông giáp huyện Thống Nhất, phía tây giáp thành phố Biên Hòa, phía bắc giáp huyện Vĩnh Cửu và hồ Trị An.Nơi chúng ta đang đứng là Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa hay còn có tên gọi khác là căn cứ U1, tọa lạc trên khu vực Bàu 17 trước đây thuộc xã Bàu Hàm nay là xã Thanh Bình huyện Trảng Bom. Toàn bộ khu Di tích hiện nay rộng hơn 5 ha nằm cách trung tâm huyện Trảng Bom khoảng 17km, để đến tham quan quý khách có thể đi bằng mọi phương tiện giao thông đường bộ một cách rất thuận lợi.
* Khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 và vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai).
Tháng 6/1965 Trung ương cục Miền Nam quyết định nhập Thị xã Biên Hoà và huyện Vĩnh Cửu thành một đơn vị tương đương cấp tỉnh lấy phiên hiệu là U1. Căn cứ tỉnh uỷ đóng chân tại Bàu Sao, Bàu Sình, bắc Trảng Bom (Bàu 17- xã Bàu Hàm nay là xã Thanh Bình huyện Trảng Bom). Căn cứ được thiết kế với các khu nhà làm việc, hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn. BCH Tỉnh uỷ được chỉ định gồm các đ/c: Đ/c Nguyễn Sơn Hà (Năm Kiệm)- là Bí thư; Đ/c Trương Văn Lễ (Ba Lễ)- Phó Bí thư; đ/c Trần Công An (Hai Cà)- Uỷ viên thường vụ; các đ/c: Tiêu Như Thuỷ, Huỳng Văn Nghi (Chín Hàm), Nguyễn Văn Thắng; Nguyễn Thanh Bình là Tỉnh uỷ viên.
Tháng 5/1971 để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ, TW cục miền Nam quyết định nhập phân khu 5 và tỉnh Biên Hoà U1 thành phân khu thủ Biên. Đ/c Nguyễn Văn Trung- Bí thư; đ/c Nguyễn Hồng Lâm và đ/c Phan Văn Trang là Phó Bí thư. Bàu 17 xã Bàu Hàm là căn cứ đứng chân của Phân khu.
Tháng 10/1972, TW cục miền Nam quyết định thành lập Khu uỷ miền Đông. Phân khu Thủ Biên giải thể. Tỉnh Biên Hoà được tái lập bao gồm các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Tân Uyên, Dĩ An, Duyên Hải, huyện Cao su Bình Sơn và thị xã Biên Hoà. Đ/c Nguyễn Trọng Cát- Bí thư, đ/c Nguyễn Văn Thông làm phó bí thư thường trực, đ/c Phan Văn Trang làm phó bí thư kiêm bí thư Thị uỷ Biên Hoà, đ/c Nguyễn Việt Hoa- P.Bí thư kiêm tỉnh đội trưởng. Căn cứ Tỉnh uỷ đóng chân tại Bàu 17, xã Bàu Hàm.
Tháng 6/1973 TW cục quyết định nâng thị xã Biên Hoà lên thành phố Biên Hoà (gọi là biên hoà đô thị) các huyện còn lại thuộc về tỉnh Biên hoà (còn gọi là BH nông thôn). Thời gian này Căn cứ Bàu 17 là nơi đứng chân của thành uỷ BH. Suối Cả, xã Bình Sơn, huyện Long Thành là nơi đứng chân của tỉnh uỷ BH nông thôn cho tới ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Với vị trí nằm trong khu tam giác sông Đồng Nai, quốc lộ 1A, quốc lộ 20 là những trục lộ quan trọng ra Bắc vào Nam và địa thế hiểm trở rừng rậm sông sâu, nương rẫy bạt ngàn nên có thể nói căn cứ U1 là nơi “Tiến có thể đánh lùi có thể giữ”.
Trong suốt 10 năm từ 1965 đến 1975 Mỹ- Ngụy đã mở nhiều cuộc càn quét có quy mô lớn và trút hàng ngàn tấn bom đạn hòng hủy diệt căn cứ U1, có lúc căn cứ hầu như bị cô lập hoàn toàn, lực lượng của ta ở đây gặp rất nhiều khó khăn phải ăn khoai, bắp, củ mỳ thay cơm thậm chí phải ăn cả củ chuối, củ rừng để sống. Ngoài những thiếu thốn trầm trọng về lương thực, thực phẩm, thuốc men thì lực lượng của ta còn gặp vô vàn những khó khăn khác, một trong những khó khăn lớn nhất là về nước sinh hoạt: cả khu vực rộng trong bán kính 5km chỉ có một bàu nước tự nhiên rộng khoảng 15ha và một giếng nước do bộ đội đào (về mùa mưa thì rất nhiều nước nhưng khi mùa khô thì rất khan hiếm). Trong khi đó lực lượng của ta đứng chân ở đây có lúc lên đến 500 người, mọi nhu cầu về nước uống và nước sinh hoạt đều được lấy từ Bàu 17 và giếng nước bộ đội. biết được khó khăn của ta, Mỹ- Ngụy rải biệt kích ngăn chặn và tiêu diệt cán bộ, chiến sỹ ta khi đến lấy nước. Chính vì vậy mà xung quanh khu vực Bàu 17 và giếng nước cán bộ, chiến sỹ ta hi sinh rất nhiều, có thể nói mỗi lon nước lấy về phải đổi bằng máu.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng với ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sỹ ta cộng với sự tin yêu đùm bọc che trở của đồng bào nơi đây một lòng theo Đảng, theo Cách Mạng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước mà căn cứ vẫn vững vàng bám trụ lãnh đạo quân và dân Biên Hòa đánh đuổi đế quốc Mỹ cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng quê hương đất nước.
Như vậy, do yếu tố thay đổi chiến trường và tính khốc liệt của cuộc chiến tranh tỉnh Biên Hoà nhiều lần tách nhập, căn cứ tỉnh uỷ cũng nhiều lần di dời nhưng căn cứ Tỉnh uỷ BH tại Bàu 17 xã Bàu Hàm luôn tồn tại và giữ vững trong 10 năm (1965-1975).
Căn cứ là nơi đứng chân vững chắc của Tỉnh uỷ BH U1, phân khu Thủ Biên và thành uỷ BH. Nơi tiếp nhận các chỉ thị, nghị quyết của TW cục miền Nam, khu uỷ miền Đông Nam Bộ và triển khai sâu rộng xuống các địa bàn trong toàn tỉnh. Nơi bám trụ kiên cường của các đơn vị chủ lực như Trung đoàn 4, sư đoàn 5- miền, trung đoàn 33- quân khu. Đặc biệt là nơi đứng chân của 2 tiểu đoàn đặc công đánh vào sân bay BH và tổng kho liên hợp hậu cần Long Bình. Nơi đứng chân của các cơ quan quân dân chính đảng, nơi đào tạo CB chiến sỹ địa phương, nơi huy động sức dân để ủng hộ kháng chiến, đặc biệt là đồng bào dân tộc Hoa, Nùng. Nơi xuất phát các trận đánh lớn như: Sân bay BH năm 1965, tổng kho Long Bình năm 1966, tổng tiến công mậu thân 1968, kỷ Dậu 1969, Nguyễn Huệ 1972 và đặc biệt cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 giải phóng quê hương thống nhất đất nước.
* Đôi nét về kiến trúc
Xác định tầm quan trọng của căn cứ U1, năm 2004 được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh căn cứ U1 đã được tiến hành khởi công trùng tu tôn tạo giai đoạn 1 gồm các hạng mục: Nhà tiếp khách, nhà bảo vệ, sân vườn cây xanh, bia tưởng niệm, giếng nước bộ đội và đến 30/4/ 2005 công trình được khánh thành. Đồng thời, Căn cứ cũng được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh (theo quyết định số 1566/QĐ.CTUBND ngày 21/4/2005).
Để tiếp tục tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích lịch sử, năm 2012 được sự tài trợ của Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai, huyện Trảng Bom tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 xây dựng Đền tưởng niệm Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa. Công trình khánh thành ngày 26/4/2013 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Đền tưởng niệm được xây dựng theo kiến trúc đình đền truyền thống, lợp ngói âm dương tráng men, nội thất bên trong có biểu tượng trống đồng, 2 bức phù điêu, ở giữa là gian thờ Bác Hồ, một bên thờ các liệt sĩ là cán bộ chiến sỹ thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang chính quy và một bên là gian thờ các liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ và nhân nhân địa phương đã hi sinh tại U1 và 5 bức tượng chân dung của các đ/c lãnh đạo trong thời kỳ kháng chiến (bao gồm ông Phan Văn Trang, Nguyễn Sơn Hà, Trần Công An, Nguyễn Văn Trung và ông Nguyễn Hồng Lâm).
Tháng 9/2015 Khu di tích Căn cứ tỉnh ủy Biên Hòa U1 tiếp tục được khởi công xây dựng các hạng mục công trình: Nhà truyền thống, Cụm tượng, phù điêu và các hạng mục khác, công trình khánh thành ngày 03/02/2018. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Đồng Nai hướng tới kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản VN và kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968.
Cụm tượng đài có chiều cao tổng thể 21,4m, được chia làm 3 phần: phần đế cao 1,2m, đỡ toàn bộ phù điêu và cụm tượng đài; phần phù điêu cao 4,7m, gồm 3 mặt phù điêu thể hiện công tác phục vụ chiến đấu, các trận đánh và ngày giải phóng; phần cụm tượng đài trung tâm có 9 nhân vật, cao 14,35m.
Nhằm phát huy tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ chiến sỹ trong những năm tháng hoạt động cách mạng tại căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Trảng Bom, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Thư viện Nhà Truyền thống luôn quan tâm công tác nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị những kỷ vật kháng chiến. Trong thời gian qua, đã sưu tầm được hơn 250 hiện vật, kỷ vật, tài liệu, tư liệu của các cô các chú là cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu và sinh sống tại Căn cứ U1. Mỗi kỷ vật hàm chứa những câu chuyện cảm động về một thời chiến đấu đầy gian nan, vất vả và cả sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng. Đồng thời Thư viện Nhà Truyền thống cũng sưu tầm được trên 300 hình ảnh Căn cứ trong thời gian kháng chiến chống Mỹ (hình ảnh gốc trước năm 1975), hình ảnh chân dung các đồng chí lãnh đạo Căn cứ qua các giai đoạn, hình ảnh về quá trình trùng tu tôn tạo Căn cứ, hình ảnh tham quan giã ngoại về nguồn…. Tất cả các hiện vật, kỷ vật, hình ảnh, tài liệu đang được trưng bày theo các chủ đề tại phòng truyền thống trong Khu di tích.
Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa là công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử mà còn khẳng định lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh đi trước. Mãi mãi là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh vẻ vang của quân dân Trảng Bom – Biên Hòa – Đồng Nai, góp phần tô đậm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc về truyền thống kiên cường, bất khuất của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng” tôn vinh ý chí chiến đấu, kiên cường của những chiến sĩ cách mạng.